30/04/2018

Để không còn bức tường ngăn cách giữa những người bạn một thời...


         Lê Học Lãnh Vân: "Hóa ra, trong những năm hòa bình ngắn ngủi sau hiệp định Genève, bạn họ đã xây dựng được ở miền Nam một xã hội với những thiết chế dân chủ, dù còn non trẻ, có thể giúp đất nước tiệm cận dần với xã hội tiến bộ của các nước văn minh. Nền giáo dục nhân bản và khai phóng. Nền y tế tân tiến và rộng khắp. Nền kinh tế tự do với GDP/đầu người vào hạng cao trong châu Á, năm 1960 cao hơn hẳn Trung Quốc (gấp 2.5 lần), Thái Lan (hơn gấp 2 lần), Nam Hàn (gấp rưỡi). Tinh thần và lòng tự hào dân tộc rất cao..."



Bài này viết về một nhóm bạn học, học trung học đệ nhất cấp (các lớp 6, 7, 8, 9) tại Sài Gòn, sau đó về Mỹ Tho học lớp 10 và lớp 11, rồi trở về Sài Gòn học lớp 12 tại trường Trương Vĩnh Ký vào nửa đầu thập niên 1950. Nhóm bạn này tự gọi nhau là nhóm bạn Mỹ Tho, sau thời các nhân vật Phạm Xuân Ẩn, Trần Văn Ơn vài năm.

Chắc nhiều người miền Nam lớn tuổi còn nhớ ông Nguyễn Thanh Liêm, một nhà giáo nổi tiếng từng là giáo sư rồi hiệu trưởng trường Petrus Ký thời đất nước phân đôi. Ông là thành viên của nhóm bạn học Mỹ Tho. Nhóm bạn học các anh chị khoảng bảy tám người thường gặp nhau, trong số đó có anh Nguyễn Văn Thành mà tôi còn nhớ là người ốm ốm, cười hiền lành, nói năng từ tốn và hút thuốc liền tay. Lúc đó, cách nay gần 60 năm, là đứa con nít nghịch ngợm, tôi thường lén tới phía sau xô vào lưng các anh rồi chạy mất. Có khi anh quơ tay bắt được, bồng thằng nhỏ lên cao cười ha hả...

Cùng với những năm tiểu học của tôi trôi qua, thời cuộc nhanh chóng đổi thay. Miền Nam không còn thanh bình, Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam được thành lập, chiến tranh ngày càng khốc liệt, nhóm bạn anh chị tôi bị dòng đời cuốn đi tứ tán. Anh Thành dẫn đầu sinh viên học sinh tranh đấu ủng hộ Hà Nội trong lòng chế độ miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa), bị tù đày. Vài anh, chị sang Pháp ở luôn bên đó. Có người làm lớn trong chính quyền, quân đội, cảnh sát chế độ miền Nam.

Tôi học trung học tại trường Petrus Ký từ nửa sau thập niên 1960, thỉnh thoảng tới thăm thầy Nguyễn Thanh Liêm tại căn nhà của thầy bên hông trường ngó ra đường Nguyễn Hoàng, nay là đường Trần Phú. Lúc đó thầy có vị trí cao trong bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa, lên tới chức thứ trưởng, nhưng vẫn bình dị tiếp tôi như một đứa em mà thầy gọi là Út. Trong câu chuyện, thầy nhắc tới người bạn Nguyễn Văn Thành với tình bạn quý trọng: “Ảnh có con đường, lý tưởng của ảnh...”.

Tới bây giờ, vài người bạn xưa của nhóm, nay đang trên dưới tuổi 85, mỗi khi gặp nhau vẫn nhắc các bạn ngày trước. Có một chị hay nhắc hồi đó ai cũng hiền, cũng tốt. Chị vui vẻ nhắc thêm, mấy anh học giỏi chỉ bài cho tụi này, còn anh Thành thì lâu lâu giảng thêm về cách mạng!

Cuộc sống các anh chị lành mạnh biết bao! Người nào cũng lương thiện, trung thực, có trách nhiệm với gia đình, xã hội. Các anh chị lớn lên khi cuộc chiến kháng Pháp đi vào cao trào. Sau hiệp định Genève phân chia đất nước, người ở lại miền Nam xây dựng xã hội thanh bình, người tiếp tục hoạt động với lý tưởng “giải phóng và thống nhất hoàn toàn đất nước”. Dù chọn đường đi khác nhau, họ vẫn quý trọng và giữ kỷ niệm đẹp về nhau...

Những người bạn ở lại miền Nam, khi thấy các bạn kháng chiến của mình vào Sài Gòn công tác thành vẫn kín đáo tiếp đón ân cần và nhiều khi tiếp tế. Vài người e ngại dây dưa phiền phức thì lặng lẽ quay đi nơi khác, làm như không thấy chứ không tố cáo!

Nền thanh bình hiệp định Genève đem lại chỉ kéo dài vài năm. Sau đó là thêm 15 năm bom cày đạn xới, cho tới năm 1975 giang san về một mối trong ngày có thể coi là ngày hội của rất nhiều người Việt Nam, dù ủng hộ Hà Nội hay ủng hộ Sài Gòn đều bị lôi cuốn bởi niềm vui thống nhất.

Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau khi hòa bình lập lại lần thứ hai, bức tường ngăn cách những người bạn thân năm xưa nhanh chóng được dựng lên! Giữa người kháng chiến với người ở lại là bức tường ngăn chia người cán bộ với người đi học tập cải tạo, người cách mạng với kẻ “ngụy”, người gian khổ hy sinh cứu nước với kẻ “bám chân đế quốc kiếm cơm thừa sữa cặn”!

Mặc cho tấm chân tình của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, hàng năm, những tiếng kèn chiến thắng bên đây bức tường vẫn khiến người bên kia nhức nhối. Không chỉ và/hay không còn nhức nhối vì thua trận chiến, mà lớn hơn là vì những mất mát, chia rẽ do cuộc chiến còn để lại quá lớn trên dân tộc này!

Những người bạn năm xưa thân tình và quý trọng nhau, giờ bị đặt hai bên bức tường cách chia nghiệt ngã! Họ không còn ngồi được bên nhau, không còn hợp tác khi đất nước đã hòa bình, thống nhất!

Trong cuộc đời thường, sau cơn biến động, con người tìm về nhau. Cuộc bể dâu trôi qua, tình nghĩa anh em, đồng bào dần trở lại. Nhiều người bên kia bức tường, người ở lại, sau khi ra đi tìm được một chỗ đứng trong lòng xã hội phương Tây, dù chưa giàu có, vẫn gởi tiền về giúp đỡ bạn bè bên đây bức tường trong những năm tháng đất nước khó khăn.

Không chỉ bên kia bức tường, bên đây, không ít người kháng chiến, bằng sự cảm thông trung thực, đã lên tiếng về những người bạn của họ. Hóa ra, trong những năm hòa bình ngắn ngủi sau hiệp định Genève, bạn họ đã xây dựng được ở miền Nam một xã hội với những thiết chế dân chủ, dù còn non trẻ, có thể giúp đất nước tiệm cận dần với xã hội tiến bộ của các nước văn minh. Nền giáo dục nhân bản và khai phóng. Nền y tế tân tiến và rộng khắp. Nền kinh tế tự do với GDP/đầu người vào hạng cao trong châu Á, năm 1960 cao hơn hẳn Trung Quốc (gấp 2.5 lần), Thái Lan (hơn gấp 2 lần), Nam Hàn (gấp rưỡi). Tinh thần và lòng tự hào dân tộc rất cao...

Trong lòng nhiều người phóng khoáng, bức tường kia như không còn nữa!

Tuy nhiên, việc vượt qua bức tường ngăn cách vẫn chỉ dừng lại ở mức cá nhân với cá nhân. Sao không thể xảy ra ở tầm vóc xã hội? Thay cho tiếng kèn thắng trận của một bên, sao không là niềm vui sum họp cả hai miền? Có khó quá chăng hay có gì trật chăng nếu thay Ngày Giải Phóng thành Ngày Hòa Bình, hay Ngày Thống Nhất? Thực sự thì ý nghĩa lớn nhất, sâu đậm tình dân tộc nhất của ngày 30.4.1975 là gì, Hòa Bình, Thống Nhất, hay Giải Phóng?

Tác giả bài này không dám trả lời câu hỏi nêu trên, vì câu trả lời đủ thẩm quyền nhất chỉ có thể đến từ một cuộc thăm dò dư luận đủ tính đại diện. Chỉ mong xã hội cởi mở và chân thành hơn để những người bạn thân năm xưa thật lòng vui lại tình bè bạn. Nhiều bạn đã khuất, người còn thì quá già, nhưng con cháu họ sẽ thực tâm mở vòng tay sum vầy, cùng nhau đưa đất nước tới bình đẳng, giàu mạnh, ấm no. Có thể được chăng?

Lê Học Lãnh Vân
http://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/de-khong-con-buc-tuong-ngan-cach-giua-nhung-nguoi-ban-mot-thoi-87027.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire