29/12/2016

Việt Nam học Campuchia làm lúa gạo!

Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang

Nguyễn Minh Nhị: "Trở lại chủ đề “Việt Nam sang Campuchia học làm lúa gạo” tôi nghĩ cái gì họ khác ta, làm nên sự khác biệt để vượt trội (qua mặt) ta chính là những vấn đề cơ bản nêu trên, trong sự phù hợp của khung thể chế chính trị Nhà nước và thị trường tự do. Ngoài ra, một vấn đề cốt lõi luôn thời sự là họ nói ít mà làm nhiều; tỷ lệ người có học hàm học vị trong xã hội ít hơn ta. Đó cũng là một sự khác biệt lớn so với ta. Ta dám học họ không?"

 
Phải có 10 hay 20 ha hoặc hơn nữa để trực canh, nông dân mới giàu.
 



“Để tìm ra lối thoát cho lúa gạo Việt Nam, mới đây tỉnh Sóc Trăng đã cử đoàn cán bộ sang Campuchia học tập kinh nghiệm. Đi cùng đoàn còn có GS.TS Võ Tòng Xuân, nhà nông học hàng đầu Việt Nam” (Báo Đất Việt Online ngày 26.11.2016). Tôi không có thông tin về kết quả của chuyến đi, nhưng tôi có suy nghĩ: cái gì họ khác ta, làm nên sự khác biệt để vượt trội (qua mặt) ta thì đó là cái cần học.

Tôi từng tháp tùng anh em Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang nhiều lần sang giúp nước bạn kỹ thuật trồng và tiêu thụ lúa gạo ở các tỉnh Takéo, Candal (giáp giới An Giang) theo đề nghị rất thiết tha và trân trọng của họ.

Tôi về hưu hơn 10 năm nay. Hoàn cảnh anh em ở Sóc Trăng bây giờ có lẽ cũng khác xa thời trước đây nên mới có chuyện Việt Nam qua học Campuchia làm lúa, bán gạo. Vậy bây giờ ta khác biệt và cần học tập Campuchia cái gì? Cái đó Bộ NN & PTNT của ta trả lời sẽ đúng hơn. Nhưng theo hiểu biết cũ và những gì cập nhật qua truyền thông, tôi thử nêu vấn đề để chúng ta cùng tìm hiểu:

Trước hết phải tìm các mẫu số chung về vấn đề con người, đất đai, thời tiết – thủy văn, thị trường và bao trùm hết thảy là vấn đề thể chế chính trị - kinh tế, để so sánh sự khác biệt.

Về con người, tôi nhớ ba tôi hay khen người Campuchia chân chất, nói sao làm vậy, thủy chung (thà bán rẻ hoặc cho không người họ quen thân chớ không bán, thậm chí là không bán đắt cho người không thân quen); họ rất biết sợ và tin chính quyền, tin Trời Phật, biết sợ có tội nếu làm hại người khác... Cái “mẫu số” này thử dân ta có bao nhiêu phần trăm so với họ? Gạo nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, cá tôm nhiễm kháng sinh, kể cả đầu tôm có đinh hoặc rau câu,... đâu chỉ có một mình nông dân là thủ phạm mà các chủ doanh nghiệp và chính quyền lại vô can? Việc này các cấp quản lý từ thấp tới cao ở ta ai cũng biết nhưng không ai làm gì hết, thậm chí không nói mà đành nhìn những “công” hàng bị trả về, bị khách hàng quen cũ từ chối mua tiếp, thị trường truyền thống bị teo tóp lại... Vậy mà Bộ NN & PTNT tuần trước công bố đến năm 2018, tôm mới sẽ “hết bị bơm rau câu”. Vậy trước mắt thị trường hãy chờ đấy!

Về đất đai, giữa ta và bạn tuy không khác biệt về thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn, nhưng quan hệ sở hữu, hạn điền,... là cái kềm “kẹp” tâm lý, tình cảm nông dân trong cái vòng luẩn quẩn của việc mưu sinh (tính không ra) và tất yếu là “hạn chế” luôn cái làm giàu. Ta nói “phải bảo đảm cho nông dân có lãi tối thiểu 30%”, vậy lãi 30% trên diện tích 0,5 – 1,5 hoặc 3 ha là rất khác nhau nếu tính trên số lãi tuyệt đối.

Đó là chưa nói lãi 30% trên diện tích 30 ha còn lớn hơn đến cỡ nào. Mà phải có 10 hay 20 ha hoặc hơn nữa để trực canh, nông dân mới giàu. Mặt khác, tuy năng suất lúa Việt Nam có lẽ cao nhất Đông Nam Á, nhưng vì thủy lợi phí, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc... (và có cả “địa tô mới” gọi là tiền thuê đất) quá lớn trong cơ cấu tổng chi phí nên giá bán lúa tại ruộng cũng rất cao, trong khi vận tải biển của ta có chi phí cao hơn nên giá gạo xuất khẩu tại cảng (FOB) lại buộc phải rẻ hơn v.v... Do đó, năng suất lúa càng cao chi phí cũng càng cao nhưng giá bán luôn ngược lại. Cái nghịch lý: càng làm lúa càng nghèo là vậy! Vậy ta dám sửa Quyền tài sản về đất và hạn điền trong Luật Đất đai không?

Về thị trường, vì “gạo trắng Việt Nam” là thương hiệu “gạo giá rẻ” trên thị trường quốc tế lâu nay, không ai cạnh tranh mà có lần một quan chức cao nhất ngành kinh tế nông nghiệp nước ta nói với tôi: “Là một lợi thế cạnh tranh của gạo Việt Nam” – tôi hiểu ý ông nói là cạnh tranh trên thị trường gạo ở các nước nghèo. Người nghèo ở các nước ăn gạo Việt Nam – giá rẻ, dần rồi một số họ cũng tự túc lương thực, trồng khoai củ thay gạo, một số “thoát nghèo” ăn gạo khác ngon hơn, số sợ bịnh nên hạn chế ăn tinh bột gạo.

Bên cạnh đó, các nước có tiềm năng lớn về trồng lúa nước như Campchia, Myanmar cũng bắt đầu cạnh tranh với ta. Như vậy, người ăn gạo “giá rẻ” có xu hướng giảm và diện tích canh tác lương thực có xu hướng tăng. Vậy sao ta cứ giữ diện tích, sản lượng gạo loại này? Bán cho ai? Ngay như Thái Lan, gạo cao cấp của họ đang có xu hướng tăng tồn kho liên tục, vấn đề này là nỗi lo của nhà cầm quyền và cũng đã góp một phần “lộn xộn” chính trường Thái Lan gần đây. Còn ta nếu bớt trồng lúa để trồng cây gì lại là đề tài khác, chưa bàn ở đây.

***

Nhân nói gạo cao cấp, thấp cấp, có người muốn Việt Nam trồng lúa chất lượng cao để cạnh tranh với gạo Thái (!) và phải xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Câu chuyện này có thời gian nói, bàn và làm từ khi ta xuất gạo từ vài triệu tấn, đến khi cao nhất trên 7 triệu tấn/năm và 2016 này xuống còn dưới 5 triệu tấn... mà vẫn tiếp tục chỉ thấy nói và nói. Vậy làm thương hiệu khó lắm phải không? Khó! Vì là làm chớ không phải là nói hoặc dùng tiền mà mua được thương hiệu. Vậy thương hiệu là gì? Nói nôm na: Thương hiệu là cái nhãn hiệu hàng hóa được người mua tin và tìm mua. Có những thương hiệu thành quốc hiệu.

Ở Việt Nam bây giờ, “thương hiệu” là vấn đề niềm tin. “Niềm tin” lương thực, thực phẩm sạch bây giờ linh thiêng hơn hết, vì ăn nhằm “độc chất” thì cái chết sẽ gần hơn; niềm tin tôn giáo về “tội phước” có khi xa hơn! Tạo thương hiệu cho lương thực - thực phẩm nội địa cho khách hàng trong nước còn khó, huống chi cho khách hàng ngoài nước? Có nghe mấy lần Chính phủ và Bộ NN&PTNT nói “Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam” tôi không hình dung xây dựng bằng cách nào? Sao làm hoài mà không có gạo thương hiệu? Trong khi tính xây dựng “Thương hiệu gạo Việt”, ta có bài học kinh nghiệm nào về việc để mất thương hiệu độc quyền tự nhiên cá ba sa, mất cả nghề nuôi truyền thống loài cá quí hiếm này và đang sắp mất thương hiệu cá tra như vết xe đổ của con cá ba sa!

Muốn có gạo thương hiệu phải có tiền đề: Giống (di truyền hoặc lai tạo – có bản quyền); đất, nước và khí hậu ở vùng thích hợp gieo trồng; công thức chế biến, pha trộn tạo ra thương hiệu riêng của nhà cung cấp. Ngoài ra, phong cách làm ăn của nhà cung cấp cũng góp thêm niềm tin trong thương hiệu sản phẩm, hoặc chỉ riêng dịch vụ của nhà cung cấp cũng tạo được thương hiệu riêng cho sản phẩm – doanh nghiệp, thí dụ gạo có giống lúa như nhau, nhưng ai cung cấp đúng hẹn, đúng giá, đúng chất lượng, thanh toán tiện lợi và thái độ cởi mở thì cũng là một lợi thế.

Như vậy, thương hiệu gạo quốc gia chủ yếu dựa vào giống (của quốc gia), vùng sản xuất có lợi thế và chế độ canh tác cho sản phẩm thuần, đồng nhất, ổn định, cung cấp sản lượng lớn cho nhà buôn, có sự trợ giúp của nhà nước, nhà khoa học, sự giác ngộ và sản xuất có tổ chức của nhà nông. Gạo có thương hiệu – nhãn hiệu là do người tiêu dùng chọn, do nhà doanh nghiệp tạo dựng (chọn lọc tự nhiên hoặc pha trộn) không nhất thiết phải thuần giống nào, và Nhà nước có trách nhiệm bảo hộ thương hiệu ấy. Như vậy, có thương hiệu hàng hóa hay không là do Nhà nước và doanh nghiệp quyết định chớ không phải do nông dân hay nhà khoa học!

Trở lại chủ đề “Việt Nam sang Campuchia học làm lúa gạo” tôi nghĩ cái gì họ khác ta, làm nên sự khác biệt để vượt trội (qua mặt) ta chính là những vấn đề cơ bản nêu trên, trong sự phù hợp của khung thể chế chính trị Nhà nước và thị trường tự do. Ngoài ra, một vấn đề cốt lõi luôn thời sự là họ nói ít mà làm nhiều; tỷ lệ người có học hàm học vị trong xã hội ít hơn ta. Đó cũng là một sự khác biệt lớn so với ta. Ta dám học họ không?

Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
 
Nguồn: Theo Tia Sáng

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire