24/10/2013

CẢNH BÁO TAI BIẾN THUYÊN TẮC MẠCH MÁU PHỔI DO HÚT MỠ BỤNG

Các bạn nên đọc bài nầy để biết rõ sự nguy hiểm để từ đó đưa ra quyết định có nên hút mỡ hay không khi muốn làm đẹp
Hình ảnh X quang tim phổi thẳng cho thấy có tràn máu và tràn dịch cả ở màng phổi và phế nang, có xẹp phổi trái của phổi trái ở một bệnh nhân bị tai biến thuyên tắc mạch máu phổi. 
Nghề nào cũng vậy, khi làm việc đều có những tai bay vạ gió mà không ai muốn. Nghề y càng không nên có, vì nó liên quan đến sinh mạng của con người. Chính vì thế mà, với y khoa, khi điều trị bất kỳ trường hợp nào bằng thủ thuật có xâm lấn, như mổ xẻ, hay uống thuốc có nguy cơ tai biến đều cần có ký cam kết, sau khi được bác sỹ điều trị giải thích cặn kẽ, và bệnh nhân tự nguyện đồng ý điều trị là vậy.
Trong y học, ngành phẫu thuật thẫm mỹ là ngành nâng cao chất lượng sống của con người. Nhưng trong y học cũng không có bất kỳ phương pháp điều trị nào là tuyệt đối thành công. Nên trong điều trị luôn có những tỷ lệ tai biến. Một trong những tai biến đáng sợ nhất là thuyên tắc mạch máu trong và sau phẫu thuật của một số bệnh lý và phương pháp phẫu thuật thẫm mỹ. Đặc biệt phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ ở nhiều nơi trên cơ thể như: mông, đùi và bụng.
Cách đây 3 hôm, câu chuyện một bác sỹ ở Hà Nội làm thủ thuật hút mỡ bụng cho một khách hàng nữ, 39 tuổi để bơm vào dưới lớp da ngực, hòng nâng cho ngực to và đẹp hơn, đã dẫn đến khách hàng tử vong trong bệnh cảnh suy hô hấp, trào bọt ra miệng, và có lẽ do quá sợ hãi mà ông bác sỹ đã vứt xác cô ta xuống sông Hồng để phi tan chứng cứ. Nhưng đã không qua được pháp luật điều tra.
Hút mỡ thẫm mỹ có nhiều tai biến và biến chứng trong và sau phẫu thuật như: dị ứng thuốc gây tê, gây mê; tụ máu dưới da; tụ dịch dưới da; tăng cung lượng tuần hoàn về tim gây suy hoặc ngưng tim cấp; và thuyên tắc mạch máu ở các cơ quan; nhiễm trùng vết phẫu thuật sau mổ, v.v... Qua bệnh cảnh lâm sàng của cô bệnh nhân tử vong có thể kết luận rằng, cô ta bị tai biến thuyên tắc mạch máu phổi - Pulmonary Embolism - do mỡ, hoặc nhồi máu cơ tim do mỡ, nhưng khả năng nhồi máu cơ tim ít nghĩ đến trong trường hợp này. Nó cũng giống như thuyên tắc khí, khi người điều dưỡng truyền dịch mà không đuổi hết bọt khí ra khỏi dây truyền dịch, trước khi truyền vào tĩnh mạch cho bệnh nhân.
Khi làm động tác hút mỡ, thì người phẫu thuật viên dùng một dụng cụ làm tưa nhỏ mỡ dưới da, và hút nó ra qua hệ thống máy hút. Động tác hút mỡ sẽ tạo ra những mạch máu bị vỡ, và những giọt váng mỡ hình thành. Đặc biệt các tĩnh mạch hồi lưu máu về tim, và phổi, khi nó vỡ ra, váng mỡ sẽ trôi vào tĩnh mạch. Những giọt váng mỡ này sẽ theo tĩnh mạch chạy về tim và phổi, gây ra thuyên tắc ở nhiều nơi như, mạch máu nhỏ của tim thì làm biến chứng nhồi máu cơ tim, về mạch máu phổi thì biến chứng thuyên tắc mạch máu phổi, về não thì là thuyên tắc mạch máu não, về mạch máu chi thì thuyên tắc mạch máu chi. Nhưng thường gặp nhất là tai biến thuyên tắc mạch máu phổi trong hút mỡ thẫm mỹ.
Thuyên tắc mạch máu nói chung, mạch máu phổi nói riêng có nhiều nguyên nhân: cục máu đông có sẵn ở bệnh nhân rối loạn chuyển hóa mỡ, cao huyết áp, tiểu đường, hoặc do giọt ván mỡ như trường hợp này hoặc mỡ do gãy xương lớn do tai nạn, v.v...
Có một điều đáng lưu ý là, dù thuyên tắc mạch máu ở đâu cũng có thể đưa đến tử vong. Tôi đã từng gặp một trường hợp chỉ thuyên tắc mạch máu chi dưới của một người bạn đi máy bay đường dài liên tục 36h đồng hồ, sau khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất và đã dẫn đến nhiễm trùng hoại tử chi đe dọa tính mạng, điều trị suốt 3 tháng tại trung tâm săn sóc đặc biệt của Mount Elizabeth Medical Centre ở Singapore tốn hơn 1 triệu đô la.
Thuyên tắc mạch máu phổi là một tai biến có nguy cơ tử vong rất cao, và phải được chẩn đoán chính xác, điều trị tích cực tại một bệnh viện lớn, có đầy đủ trang thiết bị hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn và sử dụng thuốc chống đông, cũng như các loại thuốc khác, kể cả phẫu thuật lồng ngực cấp cứu nếu cần.
Đây chỉ là một bài viết có tính thường thức y học cho những ai muốn làm đẹp, từ thầy thuốc đến khách hàng, để đừng quá hỗn loạn tâm trí mà đưa đến hậu quả không tốt như ông bác sỹ trẻ ở Hà Nội. Mong nó có ích cho mọi người.
Asia Clinic, 11h27' ngày thứ Năm, 23/10/2013

1 commentaire:

  1. Ở Việt Nam đi bác sĩ trị bệnh mà không hết thì có 2 lý do: 1 là không làm theo lời bác sĩ, 2 là nếu đã làm theo lời bác sĩ rồi thì do bệnh bất thường. Bác sĩ không bao giờ có lỗi.
    Bác sĩ ghi toa xong lấy tiền, còn bệnh hết hay không là chuyện của khác.
    Ngoài ra có trường hợp bệnh đơn giản mà phải điều trị dài ngày, đó gọi là nuôi bệnh.

    RépondreSupprimer